Giai đoạn trước cách mạng tháng 8/1945

Những hình thức đóng góp thời kỳ đầu dựng nước và thời Bắc thuộc (Từ cuối thời kỳ Hùng Vương đến giữa thế kỷ thứ X)

1- Thời kỳ đầu dựng nước:

Trải qua nhiều thiên niên kỷ tồn tại và phát triển, người dân Việt ngày càng đông, sống trải rộng suốt từ biên giới Việt – Trung đến Quảng Bình ngày nay. Đầu thiên niên kỷ thứ II trước Công nguyên (TCN) họ đã phát minh ra kỹ thuật luyện kim và phát triển dần lên, tạo cơ sở cho một nền văn hoá đồng thau rực rỡ: Văn hoá Đông sơn. Đây cũng là thời kỳ mà người Việt biết chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng lúa nước, dùng sức kéo trâu bò…

Từ sự phân công lao động xã hội, phân hoá giai cấp và với nhiều yêu cầu khác nhau, 15 khu vực lớn – lúc bấy giờ được gọi là “bộ lạc” – đã tập hợp nhau lại trong một quốc gia thống nhất: nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của người Việt ra đời.

Dưới thời Vua Hùng Vương, ruộng đất thuộc quyền sở hữu tối cao của nhà Vua, bao gồm nhiều loại ruộng đất công ở các làng xã. Theo Các Mác, “nơi nào mà một bộ phận xã hội chiếm độc quyền về tư liệu sản xuất thì nơi đó, người lao động tự do hay không tự do, đều phải buộc thêm vào thời gian lao động tất yếu để nuôi sống mình, một số thời gian trội ra để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cho người chiếm hữu tư liệu sản xuất”. (Các Mác – tư bản. Quyển I. Tập I – NXB Sự Thật – Hà nội – 1963. trang 321). Đối với Việt Nam, quy luật đó cũng không thể là ngoại lệ.

Cùng với sự xuất hiện quyền chiếm hữu ruộng đất của một số tù trưởng ở nước ta thời đó, quan hệ bóc lột đã bắt đầu phát sinh. Những thành viên trong các công xã phải nộp cho tù trưởng của họ một phần sản phẩm làm ra hoặc một số ngày lao dịch không công. Hơn nữa, Nhà nước của vua Hùng muốn tồn tại và phát triển , tất nhiên phải thu một số vật phẩm của dân, bao gồm lương thực, thú vật săn bắt, sản phẩm thủ công…, những mầm mống đầu tiên của hình thức thuế. Trong thời kỳ ấy, khoản thu của Nhà nước Văn Lang ở Trung ương là một bộ phận tài sản, vật phẩm của các địa phương, do các Lạc tướng trích nộp lên trên.

Cuối thế kỷ thứ II TCN, nước Âu Lạc ra đời thay thế nước Văn Lang. Vua An Dương Vương được thừa hưởng những tài sản mà Nhà nước của vua Hùng để lại và tìm cách gia tăng thêm. Chế độ cống nạp, đóng góp được thực hiện đều đặn, ngày càng phong phú, cho phép nhà vua xây dựng quân đội hùng mạnh, có nhiều thuyền chiến, giáo mác, cung tên, xây dựng lâu đài ở trung tâm thành Cổ Loa.

Tuy nhiên, ở thời kỳ đầu dựng nước, các hình thức đóng góp của dân chỉ dừng lại ở trạng thái “mầm mống thuế”, cống phẩm là những hiện vật trong đó lương thực, thực phẩm, thú vật săn bắt là chủ yếu.

2- Thời Bắc thuộc:

Cuộc xâm lược của Triệu Đà năm 180 – 179 TCN, qua câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ đã đưa Âu Lạc vào ách đô hộ của đế chế phương Bắc: thời Bắc thuộc, qua các triều đại nhà Triệu, nhà Tây Hán, Đông Hán, nhà Ngô, nhà Tuỳ, nhà Đường.

2.1 Thời nhà Triệu, Tây Hán thống trị (từ thế kỷ thứ II TCN đến đầu thế kỷ thứ I SCN):

Lúc đầu, thế lực thống trị phong kiến phương Bắc chưa trực tiếp nắm ngay được toàn bộ nước ta. Chúng bắt buộc phải để cho các Lạc tướng được quyền trị dân và bóc lột như cũ, với điều kiện là các Lạc tướng đó phải thường xuyên vơ vét những sản phẩm quý của dân (như vàng, bạc, ngọc trai, sừng tê giác, ngà voi, đồi mồi…) để cống nạp lên cho chúng. Nói cách khác, vua chúa phương Bắc đã dựa trên sự khống chế bằng bạo lực, uy quyền để vơ vét cống phẩm, vừa có tính chất cướp bóc, vừa có tính chất sơ khai địa tô, với mức áp đặt tuỳ thích, không theo phép tắc, luật lệ cố định.

2.2 Thời nhà Đông Hán, nhà Ngô, nhà Tuỳ thống trị (từ dầu thế kỷ thứ I đến dầu thế kỷ thứ VII):

Nhà Đông Hán đã bỏ chế độ Lạc tướng “cha truyền con nối”, thay thế bằng chế độ “huyện lệnh” (đặt những viên cai trị ở các huyện) tuyển dụng từ giai cấp quý tộc ở địa phương, nhưng ở một số vùng quan trọng, thì có các quan lại người Trung quốc trực tiếp cai trị.

Đặc điểm của sự thống trị “lưỡng hợp” đó đã quyết định sự tồn tại song song của hai phương thức bóc lột trong thời kỳ này là cống nạp và tô thuế. Nhìn chung cả nước, phương thức bằng cống nạp lúc này vẫn là phổ biến.

Về cống nạp, dân ta phải nộp hạt châu, hương dược, ngà voi, sừng tê giác, đồi mồi, san hô, chim vẹt, chim chả, chim công, cùng các vật lạ… Về tô thuế, chính quyền phương Bắc đã thi hành chính sách bóc lột bằng địa tô.

Xét về bản chất kinh tế, cần phân biệt hai khái niệm giữa “tô” và “thuế”. Tô là sản phẩm thặng dư mà nông dân phải nộp cho chủ đất khi sử dụng ruộng đất của họ. Thuế là những khoản đóng góp của mỗi người dân đối với Nhà nước để giai cấp thống trị duy trì quyền lực công cộng. Trong thời kỳ ấy, kẻ thống trị tự coi mình là chủ đất, vừa là người đứng đầu Nhà nước phong kiến. Người nông dân vừa là người cày ruộng của vua, vừa là thần dân của vua. Bởi vậy, họ phải nộp cho vua cả tô lẫn thuế. Đúng như Các Mác đã viết:”nếu đối lập với những người sản xuất trực tiếp không phải là những kẻ sở hữu ruộng đất tư nhân, mà là của Nhà nước, như ở Châu á, với tư cách là một kẻ sở hữu ruộng đất, đồng thời là vua chúa thì địa tô kết hợp làm một với thuế. Nói đúng hơn, trong trường hợp đó, không có thuế khoá nào khác phân biệt với hình thái địa tô” (Các Mác. Tư bản. Quyển III, tập III trang 243-244).

2.3 Thời nhà Đường thống trị (Thế kỷ VII đến đầu thế kỷ X)

Dưới thời thống trị của nhà Đường, chính quyền đã với tay tới cơ sở làng, xã. Nhà Đường đã đặt ra “tiểu xã”, “đại xã”, “tiểu hương”, “đại hương” với quy mô: tiểu xã gồm từ 10 đến 30 hộ; đại xã từ 40 đến 60 hộ; tiểu hương từ 70 đến 150 hộ; đại hương từ 160 hộ trở lên. Đặc điểm đó đã quyết định phương thức bóc lột trong thời kỳ này, chủ yếu là tô, thuế. Nhà Đường đã thi hành chế độ Tô, Dung, Điệu ở nước ta: Đối với tô, nhân đinh cày ruộng phải nộp cho Nhà nước 2 thạch lúa; với dung, nhân đinh phải đi lao động công ích 1 năm từ 20 đến 50 ngày; với điệu, thợ thủ công phải nộp sản phẩm do mình làm ra (Lịch sử Việt nam – tập I – trang 121). Theo nguyên tắc chung, tuỳ kết quả sản xuất được nhiều hay ít để quy định mức thu sản phẩm, không thành quy tắc cố định, rõ ràng. Dân cư miền núi cũng phải nộp tô thuế bằng nửa suất của dân cư miền xuôi. Ngoài ra, ở các vùng trung tâm, các hộ được chia thành “thượng hộ” (phải nộp 1 thạch, 2 đấu thóc/hộ), “thứ hộ” (8 đấu thóc/hộ) và “hạ hộ” (6 đấu thóc/hộ). (Nghiên cứu lịch sử số 16-trang 33).

Nhân đinh có vị trí quan trọng cho việc thu tô, thuế, lao dịch, bắt lính. Vì vậy, để thực hiện triệt để chủ trương bóc lột, chính quyền đô hộ rất chú ý đến việc kiểm kê, kiểm soát, nắm chắc hộ khẩu của dân.

2.4 Khái quát chính sách thuế dưới thời Bắc thuộc

Nhìn chung, trong thời Bắc thuộc, vấn đề tô thuế nổi lên một số điểm cơ bản sau đây:

– Từ thời Tây Hán (Thế kỷ thứ II TCN) đến hết thời nhà Tuỳ (đầu thế kỷ thứ VII) thống trị nước ta, nhà nước phong kiến phương Bắc không trực tiếp quản lý và kinh doanh ruộng đất, không cần sử dụng nhiều lao động sống (trừ một số nhu cầu đắp đê, xây dựng…). Phương thức bóc lột cống nạp là chủ yếu. Lúc này, kinh tế tự nhiên ở nước ta gần như hoàn toàn bao trùm, kinh tế hàng hoá còn rất yếu. Có hai hình thức tô, thuế cùng tồn tại bằng hiện vật và bằng lao dịch nhưng tô hiện vật chiếm vai trò chủ yếu.

– Từ thời Đông Hán (thế kỷ thứ I) phương thức bóc lột tô thuế đã xuất hiện nhưng đến thời nhà Đường (từ thế kỷ thứ VII đến đầu thế kỷ thứ X) mới chiếm vị trí chủ yếu. Quá trình chuyển biến từ phương thức cống nạp sang phương thức bóc lột bằng tô thuế cũng là quá trình hình thành chế độ phong kiến, địa chủ ở nước ta.

Dưới thời kỳ bị phong kiến phương Bắc thống trị, một lớp địa chủ người Việt dần dần xuất hiện. Đó là những tù trưởng các bộ lạc cũ đã đầu hàng phong kiến phương Bắc, được phong hầu tước, cấp đất hoặc là những quý tộc, hào trưởng địa phương, lợi dụng uy quyền của mình, dần dần xâm chiếm ruộng đất công. Tầng lớp địa chủ mới đã tiếp tục bóc lột nông dân bằng hình thức địa tô hoặc lao dịch một số ngày lao động không công…

– Tổ chức phụ trách thu các loại cống nạp, tô, thuế dưới thời Bắc thuộc được gọi chung là “công tào”, chủ yếu là: Diêm quan, phụ trách thu thuế muối; Thiết quan thu thuế khoáng sản, đặc biệt là sắt; Thuỷ quan, thu thuế thuỷ sản; các huyện lệnh, trưởng hương, trưởng xã chịu trách nhiệm thu các loại sản phẩm, tô thuế trong địa bàn được phụ trách. Sản phẩm cống nạp phải tập trung chuyển về kho chính tại Trung quốc.

– Chế độ cống nạp, tô thuế rất nặng nề, một phần để nuôi dưỡng bộ máy quan lại và đội quân chiếm đóng. Nhưng trên thực tế, bọn quan lại đô hộ sống chủ yếu bằng vơ vét, cướp bóc tài sản của nhân dân ta. Trời rét căm căm, dân phải xuống biển mò ngọc trai, đồi mồi, lên rừng tìm sừng tê giác, ngà voi… Nếu không đủ số lượng thì bị đòn roi, chém giết dã man… Đó là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm bùng nổ hàng loạt các cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, đấu tranh quyết giành độc lập, tự do cho đất nước.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*